Bốn Chúng Vãng Sinh

Nhưng trong thực tế, nhiều người vì các nhân duyên khách quan hay chủ quan khác nhau khiến lòng tin dao động, chạy theo các duyên, hoặc tu tập không chuyên, đang tu niệm Phật mà nghe nói ngồi thiền chứng được thần thông hay trì mật chú được linh nghiệm thì liền bỏ niệm Phật để tu Thiền hoặc tu Mật. Thật ra, pháp môn nào cũng đều do Đức Phật dạy, đều dẫn đến quả vị giác ngộ. Chỉ vì người dụng tâm và thực hành không đúng lời Phật dạy nên việc tu tập không đạt được thành tựu mà thôi.

Trong Đại Chính tạng, các tác phẩm: No. 2070 - Vãng sinh Tây phương Tịnh độ thụy ứng truyện, No. 2071 – Tịnh độ vãng sinh truyện, No. 2072 – Vãng sinh tập đều ghi chép nhiều truyện có thật đời xưa tu Tịnh độ được vãng sinh Tây phương của đủ các hạng người xuất gia lẫn tại gia, của cả loài vật. Ba tác phẩm này đã được các thành viên Ban dịch thuật Pháp Âm dịch ra tiếng Việt từ những năm trước đây nhưng chưa đủ điều kiện xuất bản. Nhằm phần nào giúp ích và có thể tạo thêm cảm hứng tu tập cho các hành giả của pháp môn Tịnh độ, nay chúng tôi biên tập ba dịch phẩm ấy lại thành tập sách này để cho xuất bản. Trong khi biên tập, những truyện trùng nhau thì bỏ truyện ngắn gọn, giữ lại truyện đầy đủ, nhưng cũng lược bỏ chỗ rườm rà, đồng thời vẫn giữ đủ tất cả những lời ghi chú xác đáng trong bản No. 2072 của tác giả Châu Hoằng, vị đại sư nổi tiếng hoằng dương Tịnh độ vào thời nhà Minh, Trung Quốc. Việc sắp xếp thứ tự các truyện trong sách cũng dựa vào bản No. 2072. 

Hôm nay, quyển sách này đủ nhân duyên ra đời được, chúng con xin được thành kính gửi lời tri ân trước hết đến Thượng tọa Chủ nhiệm Ban Dịch thuật Pháp Âm đã từ bi chỉ dạy rất ân cần, chu đáo mọi việc, kế đến thầy Định Huệ đã hết lòng hướng dẫn một phần quyển sách. Chúng tôi cũng chân thành cảm niệm công đức của các thiện hữu tri thức và Phật tử đã hỗ trợ công sức và tài chính cho việc ấn hành quyển sách này. 

Nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho người đọc, trong khi chuyển ngữ và biên tập, chúng tôi đã cố gắng giữ chính xác tối đa nội dung của nguyên bản chữ Hán, tuy nhiên, thật khó tránh khỏi sai sót ngoài ý muốn. Chúng tôi thành thật xin lỗi về điều ấy, đồng thời, kính mong đón nhận được sự hoan hỉ phủ chính của chư Đại đức tăng, ni, Phật tử, các bậc thức giả.

Nguyện hồi hướng công đức có được khi thực hiện bộ sách này cho tất cả hành giả nguyện sinh An Dưỡng đều được an lạc trong hiện tại và sẽ thành tựu Tịnh nghiệp mai sau.

 

Lưu học xá Huyền Trang, trọng xuân-Quý Tị (2013)

Thay lời các thành viên biên dịch

Chúc Đức kính ghi.

 

Quyển 1

 

I. SA-MÔN VÃNG SINH

1. Thích Tuệ Viễn

Sư họ Giả, người Lâu Phiền, Nhạn Môn. Thuở nhỏ, Sư theo người cậu đi học ở các nơi như Hứa Xương, Lạc Dương, v.v… nên hiểu rộng kinh sử, am tường Lão Trang.

Năm hai mươi mốt tuổi, Sư muốn qua Giang Đông đến học với Phạm Tuyên Tử, nhưng đường giao thông phía nam trở ngại, nên chí nguyện không thành.

Lúc bấy giờ, ngài Đạo An ở núi Thái Hành hoằng dương Phật pháp, danh tiếng truyền lan khắp nơi. Sư liền đến đó, hết lòng cung kính nương theo tu tập. Sau, nghe ngài Đạo An giảng kinh Bát-nhã, Sư bỗng nhiên khai ngộ, than:

- Học thuyết của chín phái[1] đều là lúa lép mà thôi!

Từ đó, sư cùng người em là Tuệ Trì lễ ngài Đạo An xin xuất gia làm đệ tử. Vì có phong thái uy nghiêm, oai nghi điềm đạm, Sư được ngài Đạo An khen ngợi:

- Phật pháp lưu truyền ở Đông độ là nhờ Tuệ Viễn vậy!

Năm hai mươi bốn tuổi, Sư lên tòa giảng pháp, có người đến hỏi về nghĩa thật tướng. Sư nhiều lần phân tích tỉ mỉ nhưng càng làm cho người hỏi tăng thêm mê mờ. Sư liền trích dẫn sách Trang Tử để thuyết minh nghĩa thật tướng của Phật giáo, khiến người học được hiểu rõ. Từ đó, ngài Đạo An cho phép Sư vận dụng các sách thế tục.

Niên hiệu Kiến Nguyên đời Tấn (343-344), ở Tương Dương nổi loạn, ngài Đạo An bị Châu Tự bắt, các đệ tử li tán mỗi người một nơi. Sư cùng với Tuệ Trì và vài chục người nữa đi đến Kinh Châu, ít lâu sau lại muốn đến La Phù. Vừa qua khỏi Tầm Dương, thấy ngọn Lô Sơn cao vút, Sư liền có ý thích ở lại nơi đó, nhưng ngặt nỗi nguồn nước cách xa. Sư lấy tích trượng dộng xuống đất nói:

- Nếu nơi đây có thể ở được, hãy khiến cho vùng đất khô cằn này có suối!

Sư vừa nói xong liền có dòng nước vọt lên. Về sau, Tầm Dương gặp hạn hán, Sư chỉ tay vào bên hồ nước, tụng kinh Long vương. Trong chốc lát, có con rắn lớn từ hồ bay vọt lên hư không, lát sau có trận mưa lớn. Nhân đó, nơi ấy có tên là Long Tuyền.

Bấy giờ, sa-môn Tuệ Vĩnh đang ở Tây Lâm, thỉnh cầu Sư đến cùng ở. Lại lo chỗ ở nhỏ hẹp, Tuệ Vĩnh bảo thứ sử Hoàn Y xây dựng thêm Đông Lâm cho Sư.

Trước đó, Đào Khản cai quản Quảng Châu, có người đánh cá vớt được trên biển một pho tượng với hình dạng rất lạ do vua A-dục tạc. Khản đem tượng tôn trí ở chùa Hàn Khê, Vũ Xương. Chùa thường xảy ra hỏa hoạn nhưng pho tượng vẫn còn nguyên. Sau đó, Đào Khản dời đi cai quản ở quận khác, vì pho tượng ấy vẫn còn linh ứng nên ông sai người mang tượng theo, nhưng rốt cùng không thể nhấc tượng lên được. Ông đến chỗ Sư thành tâm cầu nguyện, thì pho tượng nhẹ nhàng tự đến, do đó biết được Tuệ Viễn là bậc tu chứng, đã cảm ứng điềm lành.

Ân Trọng Kham ở Kinh Châu đến Lô Sơn cùng đàm luận với Sư về kinh Dịch cả ngày cũng không thấy mỏi mệt. Kham ca ngợi:

- Tri thức của ngài thật quá uyên thâm, khó ai sánh bằng!

Tư đồ Vương Mật, Hộ quân Vương Mặc đều khâm phục uy đức của Sư, hết mực cung kính. Vương Mật gửi thư nói:

- Tôi tuổi chưa tới bốn mươi mà đã già suy như kẻ sáu mươi, thật quá buồn về sự suy kém của mình!

 Sư đáp:

- Người xưa không tiếc vàng ngọc mà chỉ quý thời giờ, chỉ quan tâm đến những gì đã làm được chứ không chú trọng sống lâu!

[110a]Bấy giờ, Tống Vũ đánh phá quanh Lô Tuần, đóng quân ở Tang Vĩ. Cận thần tâu:

- Tuệ Viễn là tố vương[2] ở Lô Sơn, có mối thâm giao với Lô Tuần.

Tống Vũ nói:

- Tuệ Viễn là người mô phạm, đâu có phân biệt kia đây.

Nhân đó, ông sai sứ mang thư, tiền, gạo cúng dường cho Sư.

Vua Tần là Dao Hưng ca ngợi Sư là người có tài năng và tư tưởng phong phú, nhiều lần gửi thư ban tặng. Luận Đại trí độ mới in xong, Dao Hưng liền gửi quyển luận cho Sư. Sư nói:

- Bộ luận này do bồ-tát Long Thụ soạn, là yếu chỉ của kinh Phương đẳng. Nếu không có bậc Đại Sĩ thì ai có thể viết lời tựa?

Bấy giờ, Hoàn Huyền chinh phạt Trọng Kham. Ông đến thẳng chân núi, mời Sư rời Hổ Khê nhưng Sư từ chối. Huyền một mình lên núi. Cận thần đều tâu:

- Trọng Kham là kẻ phạm pháp mà còn hết lòng cung kính Tuệ Viễn, chỉ có ngài là không kính ông ấy!

Huyền nói:

- Trọng Kham là kẻ tầm thường, ta và hắn đâu có giống nhau?

Sau đó, gặp Tuệ Viễn, ông ta đột nhiên đến kính lễ, tuy trong lòng có nhiều nghi hoặc nhưng không dám nói ra. Ông hỏi về kế sách chinh phạt, Sư không trả lời. Ông vặn hỏi nguyên do, Sư đáp:

- Việc binh bị tôi chưa học qua.

Huyền nói:

- Vậy ngài đáp ứng gì cho tôi?

Sư đáp:

- Mong ông được an ổn, đối phương cũng như vậy.

Hoàn Huyền ra khỏi núi, bảo cận thần:

- Người này quả thật từ khi sinh ra đến giờ, ta chưa từng thấy. Sao ta lại khinh thường Sư?

Sau đó, Huyền dùng uy quyền gọi Sư đến, lại ban hành chỉ dụ bắt sa-môn phải lễ bái quốc vương. Quan Thượng thư lệnh Hà Sung, Bộc xạ Chữ Dực, Gia Cát Khôi, v.v… đều trình tấu trình lên nhà vua việc bắt các quan phải thực thi chỉ dụ. Việc tranh luận những quan điểm đồng dị của các quan, ý kiến chưa được thống nhất. Sư soạn Sa-môn bất kính vương giả luận[3], gồm năm thiên trình lên, Huyền liền thôi, không buộc sa-môn kính lễ nữa. Hoàn Huyền đi đến phía tây, An đế từ Giang Lăng quay về kinh thành, Phụ quốc Hà Vô Kị yêu cầu Sư ra nghinh tiếp vua. Sư lấy cớ bị bệnh để khước từ. Vua viết thư thăm hỏi vượt hơn thường tình, Sư lại dâng thư tạ ơn: “Thích Tuệ Viễn cúi đầu bái tạ ơn đức cao dày che chở.Bần đạo đây tuổi đã cao, thân lại mang bệnh, sức khỏe suy kém, được chiếu thư ân tình thăm hỏi, rất cảm kích, khắc ghi trong lòng”.

Vua xem thư, viết chiếu thư ca ngợi hồi đáp.

Trần Lưu, Tạ Linh Vận cậy tài kiêu mạn, ít được người quí mến, nhưng khi tiếp xúc với Sư thì hết lòng cung kính, tín phục. Vả lại, Sư trong thì uyên thâm Phật pháp, ngoài thông suốt Nho học, ở Lô Sơn ba mươi năm chưa từng xuống núi. Lưu Di Dân ở Bành Thành, Lôi Thứ Tông ở Dự Chương, Chu Tục Chi ở Nhạ Môn, Tất Dĩnh Chi ở Tân Thái, Tông Bính ở Nam Dương, Trương Dã ở Thanh Hà cùng bỏ hết vinh hoa phú quý ở đời, theo nương tựa nơi Sư. Sư cùng một trăm hai mươi ba người như Lưu Di Dân, … thành lập Tịnh xã, ở trước tượng A-di-đà thành tâm lập nguyện cầu sinh về nước An Dưỡng[4]”. Sau đó, Sư bảo Lưu Di Dân khắc lại lời văn ấy. Thời ấy gọi đó là Liên xã, vì mọi người nơi đó đồng tâm lập nguyện sinh vềTịnh độ.

Sư lấy việc hoằng pháp làm trách nhiệm chính yếu của mình. Mỗi lần nghe có tăng từ Tây Vực đến, Sư liền khiêm cung đến tham vấn đạo lí. Vào niên hiệu Thái Nguyên (376 – 396), có sa-môn Tăng-già-nan-đề nước Kế-tân đến Tầm Dương, Tuệ Viễn thỉnh ngài dịch bộ A-tỳ-đàm tâm luận và Tam pháp độ luận.

Sau đó, ngài La-thập đến Quan Trung, khoảng cách đôi bên xa xôi, Sư đốt hương tưởng cầu và viết thư thăm hỏi. La-thập từ lâu cũng đã nghe danh Sư nên hồi thư giao hảo và làm năm bài kệ tán thán Sư. Từ đó, Nam Bắc nghìn dặm thường thư từ qua lại thăm hỏi không ngừng.

Ngày mồng một tháng tám niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười hai (416), Sư phát bệnh. Đến ngày mồng sáu, bệnh càng thêm trầm trọng. Các vị trưởng lão đều đỉnh lễ khẩn cầu Sư uống rượu đậu thị. Sư nói:

-Trong luật không cho dùng rượu chữa bệnh.

Mọi người mời uống nước gạo rang thì Sư từ chối:

- Đã quá giờ ngọ rồi!

Các vị trưởng lão lại mời uống nước hòa với mật, Sư lại bảo luật sư[5] xem trong luật có cho phép hay không. Luật sư lật tìm chưa được nửa quyển thì Sư đã viên tịch.

Sư thọ tám mươi ba tuổi. Đạo tục tập vân tập đông đủ. Thái thú Nguyên Bảo ở Tầm Dương cùng với các đệ tử Pháp Tịnh, … an táng Sư ở Sơn Tây. Linh Vận, Tông Bính là những bậc hiền nhân danh tiếng thời bấy giờ, kính thương nhớ nghĩ công đức của Sư, nên khắc bài văn bia.

Lúc sinh thời, Tuệ Viễn tu pháp môn Tịnh độ, chuyên cần trì niệm. Ban đầu ở Lô Sơn mười một năm, tịnh tâm nhiếp niệm, ba lần thấy được tướng thù thắng mà Sư vẫn im lặng không nói. Sau đó mười chín năm, vào đêm ba mươi tháng bảy, Sư ở khám phía đông trên đài Bát-nhã vừa xuất định thì thấy thân Phật A-di-đà ở khắp cả hư không, trong vầng ánh sáng có các hóa Phật, có các bồ-tát Quan Âm, Thế Chí đứng hầu hai bên. Lại thấy có dòng nước rực rỡ chia thành mười bốn nhánh, chảy từ trên xuống dưới, tự giảng thuyết khổ, không, vô thường, vô ngã. Phật bảo Sư:

- Ta vì tâm nguyện của ông mà đến đây tiếp dẫn. Sau bảy ngày nữa, ông sẽ sinh về thế giới Cực Lạc!

Sư cũng thấy Phật-đà-da-xá, Tuệ Trì, Đàm Thuận ở bên cạnh Đức Phật.Các ngài đến trước Sư xá chào, nói rằng:

- Pháp Sư phát nguyện trước chúng tôi, vì sao đến chậm trễ vậy?

Chứng kiến rõ ràng như thế với tinh thần minh mẫn, Sư liền kể lại hết cho các đệ tử như Pháp Tịnh, Tuệ Bả, v.v... Nhân đó, Sư dạy Pháp Tịnh rằng:

- Ta ở đây mười một năm, mong muốn thấy được ba tướng thù thắng của Tịnh độ. Bây giờ đã được thấy, nhất định ta sẽ sinh Tịnh độ!

Sau đó bệnh càng ngày càng nặng, Sư bảo Pháp Tịnh rằng:

- Trong vòng bảy ngày, ta sẽ qua đời. Các con hãy tự cố gắng, đừng để tình cảm bi lụy ở thế gian ràng buộc.

Bảy ngày sau, quả nhiên Sư viên tịch.

Ghi chú:

Trước đời Tấn, pháp môn Tịnh độ tuy đã được biết ở Trung Quốc, có những vị hết lòng xiển dương và ra sức hành trì, khiến cho mọi người đều biết, nhưng từ ngài Tuệ Viễn, trải qua muôn đời sau, những người đệ tử tu theo pháp môn Tịnh độ đều suy tôn Ngài là thỉ tổ pháp môn này. Có thể nói: Đức Thích-ca nói về thế giới phương Tây (Cực Lạc), Phật A-di-đà hiện thân ở cõi nước phương Đông (Ta-bà). Công đức ấy không lớn ư? Ngày xưa tôi đến Lô Sơn uống nước suối Hổ Khê, ngắm nhìn đền Tam Tiếu, lui tới tham quan những di tích của mười tám bậc hiền đức, thấy thật qui mô, đủ cho muôn vị tăng ở, nhưng nay chính điện, phòng xá bị bụi phủ kín, chuông trống im lìm, cảnh trí hoang vu, cửa nẻo đóng kín, bếp núc nguội lạnh. Than ôi! Các bậc hiền đức mất rồi, sự nghiệp không người nối tiếp!

2. Thích Tuệ Vĩnh

Sư Tuệ Vĩnh họ Bà, người Hà Nội (Hà Nam). Cuối đời Đông Tấn, sư thờ ngài Trúc-đàm-hiện làm thầy. Sau nghe ngài Đạo An là bậc mô phạm đương đời, sư liền từ nghìn dặm đến kính cẩn theo học. Lúc ấy, Trung Nguyên xảy ra nhiều biến loạn, người dân xâu xé lẫn nhau, sư muốn đi về phương nam, vượt Ngũ Lĩnh, đến ở phía bắc núi La Phù, nhưng vừa đi đến quận Tầm Dương thì một người trong quận tên Đào Phạm thỉnh Sư lưu lại Tây Lâm, Lô Sơn.

Chẳng bao lâu, người đến tu học rất đông. Ngài Tuệ Viễn cũng đến đó, hai ngài cùng có ý định ở lại đây suốt đời; ngài Tuệ Viễn trụ ở Đông Lâm, suốt ba mươi năm không ra khỏi núi,Sư ở Tây Lâm cũng như thế. Sư thường xem kinh điển, giảng thuyết thông suốt, ăn rau dưa, mặc áo vải thô, vui với cuộc sống đạm bạc đến trọn đời. Sư thích cảnh thanh vắng, an tĩnh nội tâm, tu tập thiền định, do đó Sư dựng một am tranh trên đỉnh núi để tọa thiền. Mỗi khi Sư tới thất, hổ phủ phục theo bên cạnh khiến mọi người sợ hãi, nên Sư đuổi hổ đi, nhưng sau đó hổ cũng quay trở lại.

Có lần sư đến Ô Kiều, vị chủ doanh trại Ô Kiều cưỡi ngựa, uống rượu gây cản trở lối đi. Đến chiều tối, Sư không trở về được, liền cầm gậy từ xa chỉ thẳng vào ngựa, ngựa hoảng sợ khiến chủ doanh trại té nhào xuống đất. Từ đó, người kia lâm bệnh nặng, tìm đến xin sám hối. Sư nói:

- Thần hộ giới có tính khí hung dữ. Ông là người cuồng bạo mà đối với tôi cũng có lòng hối cải sao!

Sư tư chất thanh cao, không nói lời làm tổn thương đến người. Tâm thành lập nguyện ở nơi An Dưỡng.

Niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười (414), Sư lâm bệnh. Sư chỉnh sửa phục, nhiếp niệm nhắm mắt, hướng về phía tây. Chốc lát, Sư bảo đưa dép, muốn đứng dậy. Đồ chúng thấy vậy nghi sợ, chạy đến trước mặt hỏi, Sư nói:

- Vì Phật đến nên ta đứng dậy, có gì phải hỏi!

Nói rồi Sư viên tịch. Tăng, tục kéo đến rất đông, hương trời lan tỏa đến bảy ngày mới hết. Vua Đường Huyền Tôn truy phong cho Sư thụy hiệu Giác Tịch Đại Sư.

Ghi chú:

Khi Tuệ Vĩnh mới vào đạo, đã cùng ngài Tuệ Viễn và những huynh đệ khác sáng lập đạo tràng Tịnh Xã, làm phép tắc cho muôn đời. Sư cũng noi theo tông Tịnh độ của tổ Tuệ Viễn. Đến lúc mạng chung, Sư thấy Phật đến rước. Hai ngài trước sau đều xuất hiện điềm lành như nhau, nếu muốn chứng minh điềm vãng sinh thì nên lấy hai ngài làm chuẩn mực.

3. Đàm Thuận

Sư Đàm Thuận, sống vào đời Tấn, người Hoàng Long, lúc nhỏ Sư theo pháp sư La-thập[6] giảng giải kinh điển. La-thập khen rằng: “Người này có khí chất lạ lùng!”. Sau đó, Sư vào Lô Sơn tu tịnh nghiệp. Bấy giờ, có Hiệu úyLưu Tôn Hiếu ở Ninh Man xây một ngôi chùa ở Giang Lăng, thỉnh ngài Đàm Thuận về trụ trì. Sư xiển dương pháp môn Niệm Phật tam-muội.

Vào niên hiệu Nguyên Gia thứ hai đời Tống, Sư từ biệt đồ chúng, ngồi ngay ngắn và thị tịch, có hương thơm lạ khắp phòng.

4. Tăng Duệ

Thích Tăng Duệ, ở Quán Đào, nước Ngụy.

Năm 18 tuổi làm đệ tử ngài Tăng Hiền. [111c]Sư du phương học tập kiến thức ngoại điển, đến năm hai mươi tuổi, làu thông kinh Phật, am tường Nho giáo. Thường nghe ngài Tăng Lãng giảng kinh Phóng quang, Sư hay nêu ra những câu hỏi chất vấn. Ngài Tăng Lãng bảo ngài Tăng Hiền rằng:

- Duệ có hiểu biết hơn người. Duệ hỏi ta, khiến ta suy nghĩ mãi không ra, có thể nói đó là đệ tử đầy đủ tài đức của ông.

Sư cho rằng bản thân mình là giai vị Hữu học chưa thể huân tập định tuệ.Lại nữa, sự sâu xa của thiền định Sư còn chưa biết được thứ lớp. Sư nói:

- Kinh pháp tuy ít nhưng cũng đủ để hiểu về nhân quả, còn pháp thiền chưa được lưu truyền, nên chẳng có pháp dụng tâm!

Sau đó, ngài La-thập đến Quan Trung, dịch Thiền pháp yếu giải gồm ba quyển, Sư là người đầu tiên tiếp cận bản dịch này. Từ đó, Sư suốt ngày đêm tu tập, tinh tường được ngũ môn[7] khéo vào lục tịnh[8]. Ngụy tư đồ Diêu Tung có lòng tốt muốn nâng đỡ sư, nên khi vua Diêu Hưng hỏi:

- Sư Tăng Duệ là người như thế nào?

Dao Tung trả lời:

- Chính là bậc tùng bách ở Nghiệp Vệ[9]!

Sau đó, Dao Hưng gặp được Sư, vua rất vui vẻ nói lại với Tung:

- Tăng Duệ quả là bậc đứng đầu trong thiên hạ, đâu phải chỉ là trượng phu ở Nghiệp Vệ!

Do đó, tiếng tốt của Sư vang xa, mọi người đều quy ngưỡng. Kinh luận mà ngài La-thập dịch đều được Sư trau chuốt lại.

Sau khi phiên dịch xong luận Thành thật[10], ngài Cưu-ma-la-thập bảo Sư giảng, và nói rằng:

- Luận này có ẩn bảy điểm phản biện Tì-đàm. Nếu không hỏi ta, mà có khả năng phân biện bảy điểm đó, thì mới gọi là anh tài!

Quả thật đã không tham vấn La-thập mà Sư vẫn diễn thuyết rõ ràng, khiến ngài Cưu-ma-la-thập khen ngợi:

- Ta trao luận này cho ông, thật không có chút hối tiếc!

Về sau, Sư viết rất nhiều bài tựa của các kinh luận do ngài Cưu-ma-la-thập phiên dịch, như: Đại trí luận, Thập nhị môn luận, Trung luận, Đại phẩm, Tiểu phẩm, Pháp hoa, Duy-ma, Tư ích v.v… lưu truyền ở đời.

Sư khéo tu tập oai nghi, hoằng truyền Phật pháp, thường hồi hướng việc lành nguyện sinh An Dưỡng. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, Sư đều hướng về phía tây.

Bấy giờ, Sư không bệnh mà nhóm chúng tăng nói rằng:

- Ước nguyện cả đời của ta là vãng sinh Cực Lạc. Tự nghĩ ba nghiệp thân, khẩu, ý của ta chưa bao giờ trái với giới luật, nên nhất định ta sẽ được vãng sinh. Nguyện Đức Đại Từ rủ lòng thương xót, muôn đời chúng ta cùng làm pháp lữ!

Nói rồi, ngài thiết đãi tăng chúng rồi ngồi viên tịch. Trong ngày ấy, chư tăng thấy có mây năm sắc vần vũ từ phòng Sư, rồi từ từ bay về hướng tây.

Sư Tăng Duệ, sống vào đời Tấn, người Kí Châu, Sư cầu học khắp nơi, lặn lội đường xa tìm đến Thiên Trúc, sau đó lại trở về Quan Trung, theo pháp sư La-thập thụ học kinh điển. Sau đó, Sư đến tu tại đạo tràng Bạch Liên xã[11] ở Lô Sơn. Vào niên hiệu Tống Gia thứ mười sáu, bỗng nhiên Sư nói với đồ chúng rằng: “Ta sắp đi!”. Nói xong, Sư quay mặt về hướng tây chắp tay mà thị tịch. Đồ chúng thấy trước giường của ngài Tăng Duệ có hoa sen bằng vàng, nhưng chỉ trong chốc lát đã biến mất. Đồng thời, có ánh sáng năm màu và hương thơm từ phòng bay ra.

5. Đàm Hằng

Sư Đàm Hằng sống vào đời Tấn, người Hà Đông, thuở nhỏ theo ngài Tuệ Viễn xuất gia, thông suốt tất cả nội điển và ngoại điển. Sau đó, Sư tự tìm đến Lô Sơn, chuyên tâm niệm Phật.

Đến niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười bốn (419), Sư ngồi ngay thẳng chắp tay niệm Phật mà thị tịch.

6. Đạo Bỉnh

Sư Đạo Bỉnh, sống vào đời Tấn, người Dĩnh Xuyên, lúc nhỏ theo học ngài Tuệ Viễn, thông hiểu kinh, luật, lời nói đi đôi với việc làm, tu Niệm Phật tam-muội, tâm không gián đoạn.

Đến niên hiệu Nghĩa Hi thứ 14 (419), Thái thú ở Dự Chương tên Vương Kiền vào núi đỉnh lễ và thỉnh Sư nối tiếp sự nghiệp của ngài Tuệ Viễn, mọi người đều kính ngưỡng.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ 12, Sư nhóm chúng niệm Phật, rồi lên tòa, ngồi thị tịch.

Ghi chú:

Lời nói và việc làm hợp nhất. Có thể nói rằng, tâm khẩu đều niệm Phật. Nghe lời nói thì đúng, nhưng xét việc làm thì sai mà muốn vãng sinh, toan dối gạt ai?

7. Đàm Sân

Sư Đàm Sân, sống vào đời Tấn, người Quảng Lăng. Lúc nhỏ, Sư theo ngài Tuệ Viễn, siêng năng tu tịnh nghiệp và rất giỏi giảng thuyết. Sư chú thích kinh Duy-ma lưu hành ở đời. Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười bảy, Sư ngồi ngay thẳng niệm Phật mà thị tịch.

8. Đạo Kính

Sư Đạo Kính, sống vào đời Tấn, người ở Lang Da,[12] nhưng tổ tiên của Sư đến cư trú ở Giang Châu, nhờ đó, năm 17 tuổi, Sư theo ngài Tuệ Viễn xuất gia; Sư thông hiểu kinh luận, một ngày nhớ cả vạn lời, dốc lòng niệm Phật suốt ngày không dừng.

Vào đầu niên hiệu Vĩnh Sơ đời Tống, Sư nói với đồ chúng: “Thầy ta ra lệnh, ta phải ra đi”. Nói xong, Sư ngồi ngay ngắn niệm Phật mà thị tịch. Bấy giờ, đồ chúng thấy ánh sáng chiếu khắp căn phòng, trải qua một thời gian lâu mới dứt.

Ghi chú:

Tuổi trẻ tài cao, thông minh nhưng không ỷ lại mà còn dốc lòng niệm Phật. Chẳng phải đời trước đã sớm gieo nhân Tịnh độđó ư? Ngày nay, những vị sa-di mới xem sơ qua kinh luận đã sinh ngã mạn, khoe khoang, còn người lớn tuổi không biết đi về đâu, cực chẳng đã mới bàn luận về Tây phương thì đã muộn rồi vậy.

9. Phật-đà-bạt-đà-la

Phật-đà-bạt-đà-la[13], Trung Quốc dịch là Giác Hiền. Sư sống vào đời Tấn người nước Ca-duy-vệ[14]thuộc dòng họ của vua Cam Lộ Phạn. Năm Sư lên 16 tuổi đã học hết các kinh, hiểu rõ thiền, luật. Vào đời Diêu Tần có sa-môn Trí Nghiêm đến Tây Vức, mời Sư sang Trường An. Đến Trường An rồi, Sư giảng pháp ở Đông Cung và luận đạo với pháp sư La-thập. Sau, vì Sư có ý muốn trở về nước bằng đường biển nên Sư bị nhà vua đuổi đi. Sư tìm đến Lô Sơn và tham gia trong đạo tràng Bạch Liên xã của ngài Tuệ Viễn, Sư dịch các bộ kinh như Quán Phật tam-muội[15] v.v…Vào niên hiệu Nguyên Gia thứ 6 (429), nhà Tống, Sư niệm Phật mà thị tịch.

10. Tăng Tế

Sư Tăng Tế sống vào đời Tấn[16], đến Lô Sơn theo học với ngài Tuệ Viễn, sau khi đạt được mục đích liền thốt lên rằng: “Làm rạng rỡ đại pháp, việc ấy ở pháp môn Tịnh độ này!”. Từ đó về sau, Sư ròng rã, tha thiết, mong sinh về Tịnh độ. Ngài Tuệ Viễn trao cho Sư một ngọn đuốc và dặn rằng: “Ông phải pháttâm cầu sinh về Tịnh độ”. Ngài Tăng Tế cầm ngọn đuốc ngồi tựa vào ghế, dừng tâm lắng ý, không xao động. Sư lại nhóm họp đồ chúng tụng kinh Tịnh độ[17]. Đến canh năm, Sư trao lại ngọn đuốc cho đệ tử là Nguyên Bật và dặn phải theo chúng mà hành đạo. Bỗng chốc, Sư biết mình tự cầm ngọn đuốc bay lên hư không và gặp Phật A-di-đà, được Phật đón và đặt lên lòng bàn tay, rồi đưa Sư đi dạo khắp mười phương. Sau đó, Sư sực tỉnh vừa buồn, vừa tủi, tự biết tứ đại[18]không còn bệnh, khổ.

Đêm sau, bỗng nhiên Sư đứng dậy, mắt nhìn lên hư không như nhìn thấy một điều gì đó[19], rồi thình lình nằm trở lại, vẻ mặt tự nhiên vui tươi và nói với người bên cạnh rằng: “Ta đi đây!”. Nói dứt lời, Sư nằm nghiêng bên phải mà thị tịch. Lúc ấy thời tiết oi bức, trải qua ba ngày thân thể không những không biến đổi mà còn có hương thơm ngào ngạt.

Ghi chú:

Ngài Tăng Tế nhờ thầy chỉ dạy mà được vãng sinh Tịnh độ. Vì thế, trợ niệm lúc lâm chung ai dám nói là không có công hiệu! Mặc dầu quàn linh cữu trong lúc trời oi bức, nhưng thân thể vẫn phát ra hương thơm lạ. Đây là kết quả của việc giữ phạm hạnh tinh chuyên.

11. Tuệ Cung

Sư họ Cung, người Phong Thành, Dự Chương. Từ khi xuất gia, Sư kết bạn rất thân cùng với ba pháp sư là Tăng Quang, Tuệ Kham và Tuệ Lan. Sức học của các ngài không sánh bằng Sư, nhưng đối với Tịnh độ, thì các ngài huân tu, trưởng dưỡng, chuyên tâm phát nguyện, Sư không theo kịp. Ngài Tuệ Lan thường nói:

- Trình độ học rộng nghe nhiều của Sư đối với Phật pháp có lợi ích gì? Cũng như kẻ điếc tấu nhạc mà thôi. Đó là điều mà bậc thánh Vô Văn[20]quở trách. Sư chấp nhận sự chê bai đó sao?

Sư nói:

- Đâu thể như thế được! Học hỏi không ngừng, thông suốt được mọi điều, thì có người nào lúc sắp chết lại mờ mịt, ngu si!

Bảy năm sau, các ngài đều viên tịch, lúc lâm chung đều có ứng hiện điềm lành. Năm năm kế tiếp, tức vào niên hiệu Nghĩa Hi thứ mười một (415) đời nhà Tấn, Sư bị bệnh. Trong cơn bệnh, sư suy nghĩ về các bạn đều đã qua đời, bản thân mình thì bị cơn bệnh hoành hành, mịt mờ không nơi nương tựa. Sư than thở:

- Sáu đường[21]trôi lăn, khi nào mới dừng?

Bệnh càng nặng hơn, Sư nói:

- Sinh tử đến đi, ta sẽ về đâu?

Từ đó, Sư dập đầu rơi lệ, chí thành phát nguyện hướng về An Dưỡng. Tuy thân mang bệnh nặng, nhưng Sư trì niệm không một mảy may gián đoạn. Một hôm, Sư thấy Phật Vô Lượng Thọ đưa đài màu vàng ròng đến đón. Sư cảm giác như được ngồi trên đó. Kim đài phát sáng rực rỡ như đống châu báu. Sư lại thấy các ngài như Tăng Quang, Tuệ Kham, Tuệ Lan… từ trong luồng ánh sáng vui vẻ nói:

- Sư sắp được vãng sinh phẩm thượng, chúng tôi vô cùng an lòng, chỉ tiếc là bị vướng mắc với ngũ trược dài lâu, đến cuối đời Sư mới nương nơi cõi Tịnh!

Sau đó, Sư chợt cảm thấy thân thể không còn bệnh khổ, tự ngồi dậy, kể lại điềm lành xong thì viên tịch.

12. Tuệ Kiền

Sư Tuệ Kiền[22] sống vào đời Tấn, xuất gia từ lúc nhỏ, giới hạnh rất nghiêm. Vào niên hiệu Nghĩa Hi (405), Sư đến cư trú tại chùa Gia Tường ở huyện Sơn Âm, tỉnh Giang Tây, ra sức nuôi dạy đồ chúng. Sau đó, Sư mắc bệnh, một lòng cầu sinh Cực Lạc, thành tâm cầu khẩn bồ-tát Quán Âm.

Bấy giờ, tại ngôi chùa phía bắc có vị ni tên Tịnh Nghiêm đức độ sâu dày, siêng năng tu tập. Vào một đêm, Tịnh Nghiêm nằm mộng thấy bồ-tát Quán Thế Âm từ cửa thành phía tây đi vào, thân tướng có ánh sáng như mặt trời mặt trăng, có tràng phan, bảo cái, bảy báu trang nghiêm. Tịnh Nghiêm kinh ngạc đỉnh lễ và hỏi:

- Đại sĩ đi đâu?

Đáp:

- Ta đến chùa Gia Tường rước Tuệ Kiền.

Tuy Tuệ Kiền bị bệnh nặng, nhưng thần sắc không biến đổi, thị giả đều nghe có hương thơm lạ. Sư an nhiên thị tịch.

Ghi chú:

Lúc lâm chung thấy Đức Phật, có người nghi đó chỉ là tâm vọng tưởng của chính mình. Nay có người khác cùng thấy là thế nào? Nên biết cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. Hãy cẩn thận với lời nói!

13. Tăng Hiển

Sư Thích Tăng Hiển, họ Phó, ở quận Đại, hoặc có người nói ở Nam Thành, Lâm Châu. Nhiều đời tổ tiên của Sư làm quan ở quận Đại, do đó mà nhà cũng ở đây. Từ thuở nhỏ, Sư đã xa lìa thế tục, phẩm hạnh thanh khiết, cần khổ, không xen vào việc đời, những sự thay đổi của thịnh suy giả huyễn chẳng làm Sư động tâm, có lúc Sư thiền định trải qua nhiều ngày.

Vào cuối đời Tây Tấn, Lưu Diệu nổi loạn ở Lạc Dương, Sư phải ẩn cư ở Giang Đông. Lòng Sư thích chốn núi rừng, dù là hang sâu núi hiểm, không một bóng người, Sư cũng nhất định đến đó. [109b]Một hôm, vào buổi chiều ở trên núi, Sư được bản kinh mới truyền dịch của vị Phạm tăng[23]. Kinh văn có nói đủ ba phúc lành làm nhân nguyện vãng sinh Tịnh độ, cho đến thứ bậc Cửu phẩm vãng sinh. Sư vô cùng vui mừng nói:

- Thân ta ở trong đời ngũ trược, bị các khổ trói buộc, nay được bản kinh này như thoát được chốn bùn lầy nhơ bẩn, như chim tung cánh bay lượn trên bầu trời. Từ nay trở về sau, tâm ta có chỗ hướng về.

Từ đó, Sư hết lòng hướng về phương Tây, trong suốt chín tháng không lười biếng dù một mảy may. Một đêm, Sư bệnh nằm trên giường, chợt thấy Phật Vô Lượng Thọ trên hư không đi xuống, trên bầu trời ánh sáng của trăm loại châu báu lần lượt chiếu vào thân Sư. Đêm đó, Sư ngồi dậy tắm rửa, kể lại cho chúng tăng và người chăm sóc bệnh nghe, rồi răn dạy nhân quả, khuyến khích người chưa tỉnh ngộ. Sau đó Sư thị tịch. Ngôi chùa gần bên, có người thấy đài sắc vàng từ hướng tây hạ xuống, có người nghe mùi thơm ở khắp phòng, mọi người đều lấy làm lạ.

Ghi chú:

Tì-kheo biếng nhác, khi có bệnh thì nói: “Sức tôi suy yếu, đợi bình phục lại, sau đó mới niệm Phật”, mà không biết niệm Phật chính là vượt qua sự già, bệnh.Có bệnh mà chuyên tâm niệm Phật chính là lúc thích hợp để thấy rằng nhờ sức niệm Phật, không những hết bệnh mà còn được vãng sinh.

Lành thay!

14. Tuệ Thông

Sư Tuệ Thông sống vào đời Tấn, theo thiền sư Tuệ Thiệu ở Lương Châuđể học thiền, nhưng lại cầu sinh về Cực Lạc. Một hôm, ngài bị bệnh nhẹ, ở trong thiền định thấy có một người hình tướng rất đẹp đẽ nói với ngài: “Giờ lành đã đến!”. Chốc lát, Ngài thấy Phật A-di-đà có hào quang rực rỡ. Sau khi xuất định, Ngài đem việc ấy thuật lại với những người đồng học, nói rồi an nhiên thị tịch. Lúc ấy có hương thơm lạ suốt ba ngày mới dứt.

15. Pháp Lâm

Sư họ Lạc, người Tấn Nguyên, xuất gia ở quận nhà, chuyên tâm cầu học ở quận Thục[24]. Sư thường cảm khái than thở nước Thục không có thầy. Đến khi ngài Ẩn đến, Sư ngày đêm hết lòng tham vấn Phật pháp. Sau đó, ngài trở về Thiểm Tây, Sư cũng đi theo.

Vài năm sau, Sư thông suốt về trì phạm trong các bộ tì-ni[25]. Sau đó, Sư trở về quận Thục, trụ ở chùa Linh Kiến, được đông đảo tăng ni ở đây kính ngưỡng, tâm Sư vẫn không lay động. Ngoài việc chuyên về giới luật, Sư còn giảng bày cõi Phật, chỉ dẫn Cực Lạc là nơi vãng sinh. Sớm tối Sư thường tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ để thu nhiếp các niệm. Có lần đang tụng kinh, Sư thấy có vị tăng thân hình to lớn ở bên phải của Sư. Tuy lấy làm lạ, nhưng Sư chưa từng mở miệng nói, nghĩ rằng đó chỉ là đứa trẻ đứng hầu mà thôi!

Niên hiệu Kiến Vũ thứ hai đời Tề (495), Sư không được khỏe, chợt thấy cây báu lớn[26], dưới gốc cây có ba hoa sen. Trên hoa sen có tượng một Đức Phật và hai vị bồ-tát. Sư vui mừng nói:

- Người tu Tịnh độ thấy được tượng báu, thì trừ được tội nặng trong vô lượng kiếp. Ta đã thấy được, không còn lo lắng là không được sinh vào sen vàng, ao ngọc.

Thế rồi, Sư dặn dò việc tang lễ, khuyên không làm hao phí vật dụng của tăng, không chiều theo ưa chuộng của người đời, phải hỏa táng Sư theo tục lệ Ấn Độ, nghi lễ đơn giản.

Vào chiều ấy, Sư lại nói với chúng tăng:

- Đêm nay các vị nghe tiếng chuông thì đến chỗ ta!

Đến nửa đêm, quả nhiên nghe có tiếng chuông, Sư liền ngồi viên tịch. Tăng đồ y theo di ngôn, chặt cây ở bên đường lớn làm củi hỏa thiêu nhục thân Sư, lửa cháy hừng hực, ba ngày sau mới tắt.

Ghi chú:

Ngài Pháp Lâm tụng kinh có một vị sa-môn xuất hiện trước mặt; đó là vì lòng thành nên được cảm ứng chứ không có gì lạ. Ngài chắc chắn được vãng sinh Tây phương mà không còn bị ràng buộc vào việc này. Vì thế, người tu tịnh nghiệp chớ có vướng vào việc mong cầu.

16. Đàm Giám

Thích Đàm Giám, họ Triệu, người Hạ Bác, Kí Châu. Từ thuở nhỏ, Sư đã chán cuộc sống thế tục, đến cầu Trúc Đạo Tổ làm thầy, học tập kinh điển, nghiên cứu các luận. Trong luận có nhiều chỗ Sư không hiểu, mới than:

- Không có Thánh nhân ra đời, ta biết nương tựa vào đâu?

Sau đó, nghe tin ngài La-thập đến Quan Trung, Sư đến yết kiến để giải quyết những nghi vấn trong lòng. Sư thường đến nơi ngài La-thập nhiều lần, đến khi ngài qua đời, Sư nói:

- Thật không may ngài La-thập đã viên tịch rồi! Muốn giải tỏa điều khúc mắc biết hỏi ai đây?

Sau đó, sư liền đến Sơn tự ở Giang Lăng. Tuổi xế chiều, Sư tu tập tinh nghiêm, thường nguyện sinh Tịnh độ, gặp được Phật A-di-đà, cho nên dù làm được chút phúc thiện, Sư đều hồi hướng vãng sinh. Một hôm, đang trong định, Sư thấy Phật A-di-đà tay cầm bình vàng, rưới nước vào mặt Sư và nói:

- Rửa sạch trần cấu cho ông, khiến thân, khẩu, ý của ông được thanh tịnh.

Rồi Phật lấy trong bình một hoa sen trao cho. Sư xuất định, bảo đệ tử Tuệ Nghiêm:

- Ông có nhân duyên đối với Tịnh độ, nên ta không giấu giếm!

Sư kể lại việc ấy cho Tuệ Nghiêm. Ba ngày sau, đệ tử Đạo Tề từ biệt Sư đến chùa Thượng Minh. Sư dạy:

- Ông chưa thể vãng sinh An Dưỡng, thoát Ta-bà, bôn ba Nam Bắc rốt cục rồi sẽ thế nào?

Lát sau lại nói:

- Ông hãy vâng theo lời của ta, đến ngày nào đó, cũng giống như ta ngày nay vậy. Nếu không như thế, thì sẽ lưu chuyển theo nghiệp!

Đêm ấy, Sư cùng với tăng chúng đàm luận những việc đã qua, cũng hé lộ cho biết ý là Sư sắp vãng sinh, người nghe không ai hiểu ý. Đêm đã khuya, có sa-di Tăng Nguyện hầu bên cạnh. Sư quay sang hỏi sa-di:

- Đêm đã tàn, sao con còn ở đây?

Sa-di về phòng. Sư một mình bước thong thả, niệm A-di-đà Phật, gần đến canh năm, tiếng niệm Phật càng mạnh mẽ hơn.

Đến sáng, Tuệ Nghiêm và mọi người như thường lệ đến vấn an Sư, thì thấy Sư ngồi kết già mà miệng không nói. Đến gần mới biết Sư đã viên tịch. Tuệ Nghiêm và mọi người không đặt Sư vào quan tài. Trải qua ba tuần, thân thể của Sư vẫn mềm mại, tươi nhuận và tựa như có hương hoa sen từ nhục thân tỏa ra. Đương thời đó, các ngài như Thích Đạo Hải ở Giang Lăng, Thích Đàm Hoằng ở Hoài Nam, Thích Đạo Quảng ở Đông Viên, Thích Đạo Quang ở Hoằng Nông đều phát nguyện sinh về An Dưỡng. Đến lúc sắp lâm chung, các ngài như Đạo Quang v.v… đều kể là chính mắt nhìn thấy có đài vàng, lưới báu[27], và có chim ca-lăng-tần-già, mệnh mệnh[28] hiện đến trước mặt.

17. Tăng Nhu

Sư họ Đào, người Đơn Dương.

Sư bẩm tính tài hoa, học với cha từ năm lên 9 tuổi, được những bậc tri thức lớn tuổi trong làng khen ngợi là có tài trí hơn người.

Sau, Sư xin xuất gia với pháp sư Hoằng Xứng, [113b] rất nổi tiếng lúc bấy giờ, người học đương thời đều đua nhau đến học. Một hôm, Sư hầu bên cạnh thì chợt bừng ngộ, những điều đã học như kinh Phương đẳng v.v… đều được thông suốt cả.

Về sau, Sư đến chùa Linh Thứu ở núi Diệm Bạch, chúng tăng trong chùa đêm đó nằm mộng thấy mọi người tụ họp lại, tay cầm búa, rìu, cờ, lọng…. rất đông đảo, làm tắc nghẽn cả núi rừng. Có vị tăng hỏi, mọi người trả lời:

- Pháp sư Tăng Nhu đến, chúng con ra nghinh đón!

  Thông tin chi tiết
Tên file:
Bốn Chúng Vãng Sinh
Phiên bản:
N/A
Tác giả:
N/A
Website hỗ trợ:
N/A
Thuộc chủ đề:
Sách Tịnh Độ
Gửi lên:
05/08/2016 08:28
Cập nhật:
05/08/2016 08:28
Người gửi:
dieuhanhchung
Thông tin bản quyền:
N/A
Dung lượng:
1.57 MB
Xem:
1313
Tải về:
5
   Đánh giá
Bạn đánh giá thế nào về file này?
Hãy click vào hình sao để đánh giá File

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây